Cẩm nang chăm sóc bé

Chớ nên coi thường khi trẻ quá hiếu động

Tuy nhiên, theo thống kê thì cứ 100 trẻ thì có khoảng 3-5 trẻ bị chứng bệnh này và đa số là trẻ dưới 7 tuổi. Căn bệnh này nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời trẻ có thể bị những rối loạn hành vi, tình cảm và nhân cách sau này.

Vợ chồng chị Như Anh - Bình Thạnh có cậu con trai đã học lớp 1, nhưng vô cùng nghịch ngợm và hiếu động, đi học rất hay đánh bạn, giành đồ chơi của bạn nhưng cô giáo nói lại không biết nghe lời. Trong giờ học hay đứng lên phát biểu linh tinh không ăn nhập gì đến bài giảng của cô giáo, và không tập trung nghe cô giảng. 

Không chỉ ở lớp và ở nhà cũng vậy, bé luôn phá phách, không vâng lời bố mẹ và không tập trung làm được cái gì quá 2 phút. Chị Như Anh cho biết: "Từ lúc còn nhỏ mình đã thấy nhóc nhà mình có biểu hiện không bình thường, định cho con đi khám mấy lần nhưng ông xã toàn bảo con hiếu động thì thông minh, có gì mà phải lo. Nhưng mới đây đi bệnh viện Nhi đồng khám mới biết bé bị chứng rối loạn tăng động và phải theo dõi điều trị".

Hối chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ cũng dễ nhận thấy, nhưng nếu không để ý kỹ thì có rất nhiều người thường ỷ y cho rằng đây chỉ là sự tinh nghịch bản năng của trẻ nên khi bệnh nặng mới đi khám. Cũng có người lại nhầm lẫn rằng con mình bị rối loạn tăng động mà không biết con mình hiếu động hoặc chỉ đang ở trong giai đoạn khủng hoảng tâm lý của trẻ lên 3.

Bác sĩ Thái Thị Thanh Thủy - Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: Rối loạn tăng động giảm chú ý còn gọi là hội chứng tăng động. Là một tình trạng bệnh lý thần kinh biểu hiện ở trẻ có mức độ chú ý và hoạt động, xung động không phù hợp với lứa tuổi cũng như mức độ phát triển của trẻ. Trẻ có biểu hiện vận động tăng bất thường đi kèm với phản ứng hung hăng và khả năng chú ý giảm gây trở ngại cho việc học tập. Trẻ không có khả năng tự chủ do đó không thể tự lập kế hoạch, tổ chức cũng như hoàn thành những hoạt động phức tạp.




Trẻ có biểu hiện vận động tăng bất thường đi kèm với phản ứng hung hăng và khả năng chú ý giảm. 
Bác sĩ Thanh Thủy cho biết thêm về những dấu hiệu nhận biết thêm về hội chứng tăng động này: "Ở tuổi chưa biết đi, trẻ hiếu động thường khóc suốt ngày và ngọ nguậy liên tục. Sự hiếu động bộc lộ rõ hơn khi chúng bắt đầu biết đi (từ 1 tuổi trở lên). Lúc đó, trẻ có một số đặc điểm mà nếu chú ý, cha mẹ sẽ dễ dàng nhận ra như trẻ mất khả năng tập trung, trẻ định làm việc này nhưng lại quên mất và làm việc khác. 
Trẻ thiếu khả năng suy nghĩ trước khi hành động hoặc thiếu suy nghĩ đến hậu quả của hành động: Ở nhà cũng như trong trường học, trẻ thường phá ngang, phá bĩnh. Vì lẽ đó, trẻ hiếu động dễ gặp tai nạn. Sự hiếu động này xảy ra liên tục và thái quá so với lứa tuổi. Thường trẻ 2-4 tuổi cũng rất nhanh nhạy nhưng đó là sự phát triển bình thường, còn ở trẻ hiếu động có tính chất bệnh lý, các hành động thường không có mục đích, trẻ bồn chồn và không lúc nào yên".

Nhiều phụ huynh khi thấy con mình có những dấu hiệu như ngỗ nghịch, hiếu động quá mức cũng cảm thấy lo lắng nhưng lại không chắc chắn có phải là bệnh. Đôi khi tự đọc tài liệu để tự chẩn đoán bệnh con mình. Tuy nhiên, bác sĩ Thủy khuyến cáo rằng: "Muốn chẩn đoán xác định bệnh, cần phải đưa bé đi khám bệnh, qua thăm khám, các bác sĩ dựa vào tiêu chuẩn chẩn đoán quốc tế và thông qua một số các xét nghiệm, trắc nghiệm cũng như khám chuyên khoa mới cho kết quả chính xác".

Cũng có nhiều phụ huynh khi biết con mình bị chứng bệnh này đã cho con đi chạy chữa nhiều nơi, thậm chí cho con tham gia hết khóa học này đến khóa học khác về tâm lý của trẻ. Tuy nhiên, nếu không chữa trị đúng cách có thể làm cho con bị bệnh nặng hơn, thậm chí có trẻ thay đổi hẳn tâm tính.

Người chăm sóc trẻ phải thấu cảm, kiên nhẫn, yêu thương, nghị lực và dẻo dai Bác sĩ Thái Thị Thanh Thủy cho biết: "Để chữa trị chứng bệnh này đòi hỏi một chế độ điều trị đa phương diện:

- Thuốc: nhằm điều chỉnh hành vi, cải thiện một phần khả năng chú ý tập trung.
- Phục hồi hành vi tâm thần vận động.
- Thay đổi môi trường (tác động xã hội qua lại, giấc ngủ, kiểm soát stress, chế độ ăn uống...).
- Điều trị bổ trợ nếu có biến chứng, bệnh đi kèm.
Tuy nhiên, việc chăm sóc trẻ ở gia đình là một yếu tố quan trọng giúp ích rất lớn trong việc chữa trị.
Những việc mà các phụ huynh cần chú ý khi chăm sóc trẻ bị Hội chứng tăng động giảm chú ý đó là:
- Hạn chế hành vi phá hoại của trẻ đến mức có thể, giúp trẻ hiểu được giá trị của bản thân để chúng có thể vượt qua những điều tiêu cực trong cuộc sống
- Để giúp trẻ đạt được sự kỷ luật tự giác, những người chăm sóc trẻ đòi hỏi phải thấu cảm, kiên nhẫn, yêu thương, nghị lực và dẻo dai. Trước hết phải hiểu rằng để thay đổi những hành vi mạnh mẽ, ngoan cố, bướng bĩnh ở trẻ bị chứng bệnh này là rất khó khăn, bởi vì ta không thể thuyết phục trẻ tự thay đổi hành vi của chúng. Do đó, một số phụ huynh có thể vượt qua, trong khi một số khác thì không.
- Phụ huynh nên lập ra một danh sách những hành vi ưu tiên mà trẻ cần nên tránh không làm, như: đánh nhau với những đứa trẻ khác hay không chịu thức dậy vào buổi sáng. Một vài hành vi nếu không cảm thấy gây tổn thương phiền hà cho người khác, hoặc thấy nếu chấp nhận được, thì hãy cứ để cho trẻ thực hiện, chẳng hạn như trẻ không chịu mặc gì ngoài áo sơ mi đỏ thì cứ để chúng được toại nguyện.
- Bố mẹ nên khen thưởng con khi chúng có những hành vi tốt, và thường xuyên can ngăn những hành vi không đúng. Những lời khen có một tác động rất tích cực đối với trẻ, góp phần tạo hiệu quả cho quá trình điều trị.
Từ đó người ta đã nêu ra một số biện pháp giúp cho trẻ bị chứng tăng động có thể hoàn thành tốt công việc:
- Chia nhỏ công việc thành những việc đơn giản hơn. Đặt ra thời gian giới hạn và phần thưởng khi hoàn tất mỗi công việc.
- Mỗi ngày ghi ra những công việc cần phải làm và kế hoạch thực hiện để hoàn tất chúng.
- Làm việc ở những nơi yên tĩnh, tránh xa các nguồn kích thích (Vd: âm thanh, tiếng ồn, xe cộ hay người qua lại...). Trong một thời điểm chỉ làm một công việc mà thôi, giữa các công  việc nên có những khoảng nghỉ ngắn.
- Viết lại những điều cần nhớ trong quyển sổ tay, viết thông tin khác nhau ở những phần khác nhau như: công việc, cuộc hẹn, số điện thoại. Nên giữ quyển sổ tay này bên mình tất cả mọi lúc.
- Dán những mẫu giấy nhỏ ghi công việc phải làm ở bất cứ chỗ nào trẻ có thể nhìn thấy được, chúng sẽ nhắc nhở trẻ.
- Cất giữ những thứ giống nhau cùng một nơi.
- Tạo ra thói quen trong công việc hằng ngày như: lúc nào thì chuẩn bị đi học hoặc làm việc.
- Tập thể dục, ăn uống điều độ theo chế độ và ngủ đủ giấc.
Tăng động giảm chú ý là một hội chứng bệnh lý, tuỳ từng trường hợp mà nhà điều trị có thể kết hợp điều trị thuốc với các liệu pháp tâm lý. Tuy nhiên bạn nên đưa trẻ đến với các nhà chuyên môn càng sớm càng tốt, điều này giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện tình hình của trẻ.

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục: