Cẩm nang chăm sóc bé

Những điều cha mẹ không nên nói với trẻ

Đôi khi chúng ta nói những điều làm con cái cảm thấy bị tổn thương hoặc tức giận. Vì thế hãy lựa chọn những từ/cụm từ và cách nói làm sao để khiến con bạn thực sự lắng nghe.

 

“Con rất là ..."

Ngôn từ chụp mũ làm nhụt chí trẻ. "Tại sao con hư thế ?” Hoặc đôi khi trẻ chợt nghe thấy người lớn nói với nhau: “Con tôi rất nhát”. Trẻ nhỏ luôn tin vào những gì chúng nghe thấy mà không cần do dự, ngay cả khi điều đó nói về bản thân chúng. Vì thế những câu nói tiêu cực kiểu như vậy có thể trở thành một lời mặc định về tính cách của trẻ. Ngay cả những từ ngữ nghe có vẻ trung lập, như “nhút nhát” hoặc “thông minh” cũng có thể làm con bạn cảm thấy xấu hổ và vô hình chung bạn đã đặt vào con sự kỳ vọng không phù hợp.

Có những từ ngữ gây tổn thương sâu sắc. Nhiều phụ huynh có thể vẫn còn cay đắng khi nhớ lại những điều cha mẹ mình đã nói, như “Con thật vô tích sự” hoặc “lười biếng” hoặc “ngu ngốc”.

Cách tốt nhất để giải quyết tình huống này là nhìn nhận hành vi một cách cụ thể và không dùng những tính từ chỉ cá tính của trẻ.

“Để mẹ được yên!”

 

Cha mẹ nào cũng cần những lúc giải lao. Vấn đề là khi bạn thường xuyên nói với con rằng “Đừng làm phiền mẹ” hoặc “Mẹ đang bận”, trẻ sẽ ngầm hiểu được thông điệp đó. Chúng bắt đầu nghĩ rằng nói chuyện với bạn chẳng mang lại lợi ích gì vì bạn luôn xua đuổi trẻ. Nếu bạn gây dựng thái độ này từ khi con bạn còn nhỏ thì lớn lên chúng sẽ không nói với bạn mọi thứ của mình.

 

Vào những lúc như thế này (hoặc những lúc bạn mệt mỏi), bạn có thể nói : “Mẹ phải hoàn thành công việc, vì thế con hãy chơi yên tĩnh một lúc. Xong việc, mẹ sẽ đưa con đi chơi”. 

 

“Có thế mà con cũng khóc/buồn à?” hay “Đừng trẻ con như thế” hoặc “Chẳng có lý do gì phải sợ cả”

Trẻ con có thể buồn phát khóc, đặc biệt là trẻ ở tuổi tập đi, chúng không thể chuyển tải cảm xúc bằng lời nên chúng buồn bực, chúng hoảng sợ. Nhưng nói “Đừng...” không làm cho chúng cảm thấy tốt hơn mà còn làm cho chúng hiểu rằng tình cảm của chúng không có giá trị – rằng buồn hay sợ là cảm xúc không bình thường.

Hãy thừa nhận rằng con bạn cảm nhận theo một cách riêng – mà rõ ràng là như thế. Khi bạn gọi tên cảm xúc thực mà trẻ có, bạn đã cho con vốn từ để biểu đạt và bạn cũng chỉ cho con thấy ý nghĩa của sự cảm thông. Dần dần con bạn sẽ ít khóc đi và biết dùng từ ngữ để diễn tả cảm xúc.

"Sao con không giống chị con nhỉ ?"

Các bậc phụ huynh thường hay so sánh con mình với các anh chị em hoặc bạn bè và coi đó là một tấm gương sáng. Nhưng cha mẹ không biết rằng sự so sánh luôn mang đến tác dụng ngược lại. Con bạn là con bạn không phải là người khác. Các chuyên gia cho rằng cha mẹ so sánh con mình để tìm kiếm sự đối chiếu về những mốc phát triển trong hành vi của con. Nhưng đừng để con bạn nghe thấy điều đó. Mỗi trẻ phát triển theo một mức độ khác nhau và chúng có cá tính riêng. Việc so sánh con bạn với người khác ngụ ý rằng bạn ước gì con bạn khác những gì nó đang có. Việc so sánh không giúp trẻ thay đổi hành vi. Áp lực phải làm điều mà trẻ không sẵn sàng (hoặc không thích) có thể làm trẻ rối trí và dẫn đến mất tự tin. Con bạn cũng có thể cảm thấy phẫn uất với bạn và giải quyết bằng cách không làm những điều bạn muốn.

 

"Dừng lại ngay nếu không mẹ sẽ đánh con đấy"

Doạ nạt - kết quả của sự bất lực – thường hiếm khi có hiệu quả. Cha mẹ thường cảnh báo kiểu như “Nếu con làm lại một lần nữa là mẹ đánh đít đấy!”. Vấn đề là sớm hay muộn bạn phải thực hiện những điều bạn nói nếu không lời nói của bạn sẽ chẳng có hiệu lực gì. Việc doạ đánh trẻ đã được chứng minh là cách không hiệu quả để thay đổi hành vi.

Trẻ càng nhỏ thì càng cần nhiều thời gian để nhớ bài học. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ một đứa trẻ 2 tuổi làm đi làm lại một hành vi xấu trong cùng một ngày là 80% bất kể bạn dùng kỷ luật gì.

Ngay cả với trẻ lớn, không có chiến lược kỷ luật nào mang lại kết quả giống hệt nhau trong mọi tình huống. Vì vậy, tốt hơn hết là lập ra một danh sách chiến thuật mang tính xây dựng, thí dụ như đánh lạc hướng, tách trẻ ra khỏi tình huống hoặc phạt ngồi một chỗ, thay vì làm những việc đã được chứng minh là không mang lại kết quả tích cực (kể cả doạ nạt hay đánh đít).

Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục: